Tại Việt Nam, kho dữ liệu còn rất hạn chế, muốn nghiên cứu phải đòi hỏi nền tảng công nghệ rất lớn. Tuy nhiên, để phục vụ người dân tốt hơn thì việc xây dựng dữ liệu lớn (big data) là việc cần thiết, phải đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng big data trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp |
Đó là khẳng định của PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tại Hội thảo khoa học quốc tế thường niên với chủ đề: “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh” (lần thứ 2) – CIEMB 2019, được tổ chức trong 2 ngày 26 và 27/11.
Big data nhìn chung liên quan đến các tập dữ liệu có khối lượng lớn và phức tạp đến mức các phần mềm xử lý dữ liệu truyền thống không có khả năng thu thập, quản lý và xử lý dữ liệu trong một khoảng thời gian hợp lý.
Những tập dữ liệu lớn này có thể bao gồm các dữ liệu có cấu trúc, không có cấu trúc và bán cấu trúc, mỗi tập có thể được khai thác để tìm hiểu insights – bên trong khách hàng. Big data thường có 3 đặc điểm quan trọng: khối lượng dữ liệu lớn, nhiều loại dữ liệu đa dạng và vận tốc dữ liệu cần phải được xử lý – phân tích.
Bao nhiêu dữ liệu để đủ gọi là “big” vẫn còn được tranh luận, nhưng rất cần thiết trong vận hành nền kinh tế, quản trị doanh nghiệp và kinh doanh.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ nhiều nước như: Đức, Anh, Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… sẽ thảo luận, chia sẻ về các chủ đề như phát triển kinh tế bền vững từ những hành động thực tiễn, các xu hướng mới trong kinh tế và khoa học xã hội, du lịch và phát triển du lịch địa phương tại Nhật Bản – kinh nghiệm cho Việt Nam…
Chia sẻ về hội thảo, PGS.TS. Phạm Hồng Chương cho biết đối với Việt Nam, những nghiên cứu này sẽ giúp các doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách hiểu được kinh nghiệm quốc tế, từ đó có những nghiên cứu và vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mình. Hội thảo đã đưa ra những bài học rất cụ thể về việc vận dụng big data trong nghiên cứu hành vi người tiêu dùng.
Ví dụ như tại Mỹ, cơ quan quản lý có dữ liệu dân cư đầy đủ, từ đó phổ biến tới các tổ chức nghiên cứu, giúp đưa ra chính sách phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của người dân.
“Tại Việt Nam, kho dữ liệu còn rất hạn chế, muốn nghiên cứu phải đòi hỏi nền tảng công nghệ rất lớn. Tuy nhiên, để phục vụ người dân tốt hơn thì việc xây dựng big data là việc cần thiết, phải đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Hơn nữa, hệ thống dữ liệu của Việt Nam cũng như báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam phải được công khai minh bạch để phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu”, ông Chương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS. Robin Mason, Phó hiệu trưởng Đại học Birmingham, Vương quốc Anh cho hay, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển nhanh và mạnh, khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân đều có bước chuyển biến mạnh mẽ nên đã dần tiệm cận với những tiêu chuẩn quốc tế. Vì thế, các vấn đề trong phát triển kinh tế cần có những cái nhìn mới mẻ hơn để có những bước phát triển đột phá hơn nữa, nhưng đây sẽ là hành trình dài, không phải một sớm một chiều.
Thanh Hoa